HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-12-11-2023-11-img1 Ảnh-12-11-2023-11-img2 Ảnh-12-11-2023-11-img0 Ảnh-12-11-2023-11-img1 Ảnh-12-11-2023-11-img2 Ảnh hoithaokhoahockhoacoban0 Ảnh-25-09-2023-06-img0 Ảnh-25-09-2023-06-img1 Ảnh-25-09-2023-06-img2 Ảnh-25-09-2023-06-img3

Thứ năm, 13/05/2021 - 11:54

Hội thảo khoa học “Xây dựng tài liệu đào tạo chuẩn mực kế toán công Việt Nam”

Ngày 20/4, tại trụ sở chính, số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Học viện Tài chính và Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng tài liệu đào tạo chuẩn mực kế toán công Việt Nam”. PGS.,TS. NGƯT. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện và TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì Hội thảo.

 Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính, có sự hiện diện của TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng;  PGS.TS. Lưu Đức Tuyên – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán; Các thành viên tổ Biên tập hệ thống chuẩn mực kế toán công -  Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán.

Về phía ACCA, có sự hiện diện của bà Khuất Thị Liên Hương, Trưởng ban Cao cấp đốii ngoại, khối Giáo dục đào tạo ACCA, Hội viên kỳ cựu ACCA.

Sự hiện diện của các tác giả bài báo đến từ Đại học Thương mại; Đại học Lao động – xã hội; Đại học Công nghiệp; Đại học Kinh tế- Đại học quốc gia; Đại học Công đoàn; Đại học kinh tế quốc dân..

PGS.,TS. NGƯT. Trương Thị Thủy – NGƯT. Phó Giám đốc Học viện và TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì Hội thảo.

Về phía Học viện Tài chính, có sự hiện diện của PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ – Giám đốc Học viện; PGS.,TS. NGƯTTrương Thị Thủy - Phó Giám đốc; TS. GVCC. Nguyễn Đào Tùng – Phó Giám đốc Học viện; PGS.,TS. NGƯT. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng Bộ môn Kế toán Công, PGS.,TS. Mai Ngọc Anh, Trưởng Khoa Kế toán; PGS.,TS. Chúc Anh Tú - Trưởng ban Hợp tác quốc tế cùng các tác giả bài báo.

 PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo và khẳng định ý nghĩa, sự cấp thiết của Hội thảo trong đào tạo cho sinh viên trong các trường đào tạo tài chính, kế toán. PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cũng nhấn mạnh năng lực của Học viện Tài chính trong việc hợp tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống Chuẩn mực kế toán công (CMKTC) cũng như xây dựng tài liệu, đào tạo về hệ thống Chuẩn mực này với bề dày kinh nghiệm đào tạo về kế toán công. 

 TS. Vũ Đức Chính - Cục Trưởng cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) phát biểu

Cũng phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Đức Chính - Cục Trưởng cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án công bố hệ thống CMKTC, được triển khai theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019 và chỉ rõ: Việc áp dụng 26 chuẩn mực Kế toán doanh nghiệp cách đây 20 năm ở Việt Nam đã không còn phù hợp. Việc xây dựng và công bố hệ thống CMKTC Việt Nam theo Đề án là cấp thiết. Hệ thống Chuẩn mực này được xây dựng dựa trên nền tảng kế toán công quốc tế và các điều khoản luật kế toán Việt Nam đã được thực hiện trên thực tiễn. Tuy nhiên, điều kiện, cơ chế, chính sách về tài chính Việt Nam có sự khác biệt so với các thông lệ quốc tế nên hệ thống chuẩn mực xây dựng sẽ có những sự khác biệt. Khi hệ thống này được ban hành sẽ là cơ sở để làm căn cứ xây dựng các chế độ kế toán tương ứng. Đây cũng là chuẩn mực để Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành các chế độ chính sách; chế độ kế toán và là cơ sở thực hiện báo cáo tài chính, quy trình báo cáo tài chính của các đơn vị.

TS. Vũ Đức Chính nhấn mạnh: Với hệ thống CMKTC được công bố, theo lộ trình với 5 Chuẩn mực sẽ được công bố trong năm 2021 và 16 Chuẩn mực được công bố giai đoạn 2022-2024, việc tổ chức đào tạo cho các đối tượng, nhất là sinh viên cần phải đào tạo nội dung nào, thời gian, thời lượng, phương thức và đào tạo như thế nào cho hiệu quả? Yêu cầu trình độ của người giảng dạy? Đối với cán bộ, giảng viên, việc nghiên cứu, học tập các Chuẩn mực là cơ sở để tiếp thu được những thông lệ tốt; thay đổi tư duy nhận thức, có đề xuất phù hợp cũng như đi tắt đón đầu trong hoàn thiện cũng như thực hiện hệ thống chuẩn mực kế toán công.

 Bà Trần Thị Thu Hương - Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán trình bày phần tổng quan về nội dung 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam ban hành đợt 1

Trong phần trình bày “Tổng quan về nội dung 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam ban hành đợt 1 và yêu cầu về xây dựng tài liệu và đào tạo chuẩn mực kế toán công Việt Nam”, bà Trần Thị Thu Hương - Cục Quản lý giảm sát kế toán, kiểm toán đã trình bày quá trình xây dựng hệ thống CMKTC Việt Nam và nội dung 5 chuẩn mực đầu tiên và chỉ rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc xây dựng hệ thống này cũng như việc xây dựng tài liệu đào tạo Chuẩn mực kế toán công Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chưa có Chuẩn mực này và việc cải cách tài chính công của Nhà nước. Chuẩn mực kế toán công Việt Nam xây dựng sẽ đảm bảo các mục tiêu: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công; xác định cơ sở để xây dựng Báo cáo tài chính (BCTC) nhà nước, thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước; thúc đẩy sự hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công với khu vực và thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch và có thể so sánh được của các thông tin tài chính.

Trong đó, mục tiêu cụ thể: nghiên cứu, xây dựng, ban hành và công bố hệ thống CMKTC Việt Nam trên cơ sở CMKTC quốc tế; đảm bảo yêu cầu hội nhập kinh tế; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính của Việt Nam; cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ; gắn với việc triển khai lập BCTC nhà nước; làm cơ sở, nền tảng cho hệ thống cơ chế, chính sách tài chính nhà nước, với hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã và đang được cải cách phù hợp thông lệ quốc tế; là căn cứ ban hành chế độ kế toán.

Đối tượng áp dụng của đề án là các đơn vị trong lĩnh vực công, trừ các doanh nghiệp nhà nước. Các trường đại học, học viện và các tổ chức nghề nghiệp phối hợp nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ triển khai áp dụng CMKTC Việt Nam. Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành, đào tạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện hệ thống CMKTC Việt Nam.

Tại Hội thảo, các tham luận được trình bày đã thu hút được nhiều ý kiến phản biện. Các bài tham luận đã đi sâu vào đánh giá thực trạng xây dựng tài liệu, giảng dạy các chuyên ngành kế toán, kế toán kiểm toán, tài chính công, kế toán công tại các cơ sở đào tạo về tài chính, kế toán với nội dung liên quan về chuẩn mực kế toán công cũng như đưa ra những giải pháp thực hiện cũng như phương pháp, nội dung giảng dạy.

 PGS.,TS. NGƯT. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng bộ môn Kế toán công trình bày tham luận

PGS.,TS. NGƯT. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng bộ môn Kế toán công trong tham luận “Chuẩn mực số 31, Tài sản vô hình - Đào tạo chuẩn mực kế toán công về tài sản vô hình ở Việt Nam” đã chỉ ra tính cần thiết trong xây dựng, xác định khái niệm tài sản vô hình trong hoạt động kinh tế cũng như trong khoa học kế toán. PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng cũng chỉ rõ công tác xây dựng tài liệu, đào tạo về kế toán công của Học viện Tài chính đã được chú trọng thực hiện từ rất sớm. Năm 2012, Học viện là cơ sở đào tạo đầu tiên trong toàn quốc đào tạo chuyên ngành kế toán công.

PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo

Với tham luận của mình, PGS.,TS. Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Hợp tác quốc tế đã làm rõ về nội dung trình bày trên Báo cáo tài chính công. Mục đích của chuẩn mực này là nhằm quy định cách thức trình bày báo cáo tài chính phục vụ mục đích chung và đảm bảo có thể so sánh với báo cáo tài chính của các kỳ trước và của các đơn vị khác. Để đạt được mục đích trên, chuẩn mực này quy định tổng thể những vấn đề chung cần xem xét khi trình bày báo cáo tài chính, hướng dẫn về cấu trúc của báo cáo và những yêu cầu tối thiểu về nội dung của báo cáo tài chính được lập trên cơ sở kế toán dồn tích. Đây cũng là một nội dung quan trọng được xây dựng để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành kế toán, kế toán kiểm toán, phân tích tài chính... của Học viện Tài chính.

 TS. Trương Thanh Hằng - Đại học Công nghiệp Hà Nội trình bày tham luận

TS. Trương Thanh Hằng - Đại học Công nghiệp Hà Nội trong tham luận “Vận dụng mô hình tư duy vòng tròn vàng vào giảng dạy chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 – hàng tồn kho trong điều kiện tự chủ đại học” đã nhấn mạnh việc sử dụng phương pháp dạy học mà sinh viên cần phải thực hiện một nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tiễn và có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Nhiệm vụ học tập này đòi hỏi người học có tính tự lực cao, khi phải đảm nhiệm mọi công đoạn gồm lập kế hoạch, thực hiện dự án và đánh giá kết quả của dự án.

TS. Hy Thị Hải Yến  - Học viện Tài chính trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Hy Thị Hải Yến  - Học viện Tài chính với tham luận “Trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam – từ hiểu đúng đến thực hiện đúng”. Từ thực tiễn lập và trình bày BCTC tại một số đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Thông tư 107/2018/TT-BTC đã được ban hành và áp dụng tính đến nay là hơn 3 năm, với sự thay đổi lớn về nội dung lập và trình bày BCTC tiệm cận với CMKTC quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn không ít các đơn vị chưa hiểu rõ ý nghĩa của sự thay đổi này, cũng như chưa nhận thức đúng vai trò và ý nghĩa của thông tin và chất lượng thông tin trên bộ BCTC mới.

Đề xuất cho công tác đào tạo CMKTC ở Việt Nam, TS. Hy Thị Hải Yến cho rằng, áp dụng CMKTC vào Việt Nam là một quá trình cần có thời gian và lộ trình cụ thể. Để CMKTC có thể đi vào đời sống một cách hiệu quả nhất, rất cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước và tất cả các đơn vị kế toán công ở Việt Nam. Bên cạnh công tác truyền thông, thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng có thể giúp những chủ thể liên quan đến việc lập và trình bày BCTC và các chủ thể sử dụng thông tin trên BCTC hiểu đúng, vận dụng đúng những ý nghĩa mà CMKTC truyền tải...

 TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Học viện Tài chính trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Học viện Tài chính trình bày tham luận “Kinh nghiệm đào tạo các chuẩn mực kế toán” cũng khẳng định rõ sự cần thiết đưa IFRS về đào tạo kế toán cũng như chỉ ra thực trạng đào tạo IFRS hiện nay tại các cơ sở đào tạo và đưa ra những giải pháp về chương trình đào tạo; Tài liệu nghiên cứu; Đội ngũ giảng viên; Phương pháp giảng dạy.

Hội thảo đã gợi mở những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng trong xây dựng tài liệu những như giảng dạy về Chuẩn mực kế toán công, một hướng đi tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và sẵn sàng đón đầu khi Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực kế toán công hoàn thiện. Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết để các cơ sở đào tạo cập nhtaaj chương trình giảng dạy để đảm bảo các nội dung của Chuẩn mực được đưa vào chương trình đào tạo.

Số lần đọc: 4136
Các bài đã đăng
Tin phản hồi
TRANG CHỦ  |  Tin tức  |  ẢNH HOẠT ĐỘNG  |  LÝ LỊCH KHOA HỌC  |  MẪU VĂN BẢN KH&CN  |  LIÊN HỆ  |  TRANG CHỦ HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN QUẢN LÝ KHOA HỌC
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính: Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ:số 58 - Phố Lê Văn Hiến - Quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại: 02432191924 | Fax: 04.39331865
E-mail: khoahoctc@hvtc.edu.vn | Website: http://www.hvtc.edu.vn/khoahoc
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà